“Sử dụng phần mở rộng
tên miền uy tín sẽ đem lại cho các doanh nghiệp một sự tín nhiệm nhất
định. Rất nhiều doanh nghiệp quốc tế, bao gồm cả 500 công ty thuộc danh
sách Fortune 500, khi cân nhắc các tiêu chuẩn toàn cầu để kinh doanh
trực tuyến đều đã lựa chọn sử dụng tên miền .com để xây dựng website của
mình.”
Đó là phát biểu của ông Nguyễn Tự Hồng
Quân, Giám đốc Công ty phần mềm NH, trong buổi hội thảo “Xuất nhập khẩu
trực tuyến 2017” diễn ra sáng nay (16/5) tại Hà Nội.
Theo đó ông Quân cho rằng, lý dó để họ làm vậy là bởi, “Khát vọng mở
rộng kinh doanh vươn ra ngoài mạng lưới khách hàng hiện tại trong khu
vực và đem sản phẩm của doanh nghiệp tới tay khách hàng trên toàn thế
giới.”
“Thêm vào đó, với mức độ vận hành chính xác và ổn định của cơ sở hạ
tầng Hệ thống tên miền (DNS) của tên miền .com hơn 18 năm qua, sở hữu
tên miền .com chính là lựa chọn đúng đắn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ
để phát triển hiện diện trực tuyến”, ông Quân cho biết thêm.
Theo khảo sát năm 2016 của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông
tin tại các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, có tới 32% doanh nghiệp đã
thiết lập quan hệ kinh doanh với đối tác nước ngoài qua kênh trực tuyến,
11% tham gia các sàn thương mại điện tử và 49% có website.
Trong số doanh nghiệp xuất nhập khẩu tham gia khảo sát có website thì
tỷ lệ website có tên miền .vn là 46%, có tên miền quốc tế là 54%,
trong đó có tên miền .com và .net là 51%. Tỷ lệ website có tiếng nước
ngoài là 63%. Như vậy, khuynh hướng các doanh nghiệp xuất nhập khẩu sử
dụng tên miền quốc tế cho website của mình ngược hoàn toàn với các doanh
nghiệp chú trọng tới thị trường trong nước.
Các doanh nghiệp cho biết gặp gỡ trực tiếp để đàm phán và ký hợp đồng
vẫn là kênh hiệu quả nhất. Với kênh trực tuyến, email là công cụ chủ
yếu phục vụ giao kết hợp đồng. Xu hướng các doanh nghiệp xuất khẩu sử
dụng các sàn thương mại điện tử quốc tế uy tín ngày càng phổ biến do
hiệu quả đem lại từ các mô hình này ngày càng rõ nét và cũng là xu hướng
sử dụng của các nhà nhập khẩu trên toàn cầu.
Ngoài ra tại hội thảo, các diễn giả đã tập trung trao đổi về ba trụ
cột của xuất nhập khẩu trực tuyến gồm: cơ hội mở rộng xuất khẩu nhờ tham
gia các sàn thương mại điện tử theo mô hình doanh nghiệp với doanh
nghiệp (B2B); dịch vụ công trực tuyến hay giao dịch trực tuyến giữa cơ
quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp xuất nhập khẩu (G2B); xu hướng và
giải pháp phát triển xuất nhập khẩu trực tiếp tới người tiêu dùng
(B2B2C).
Theo Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2017, nhiều doanh
nghiệp Việt Nam đã ứng dụng thương mại điện tử để hỗ trợ hoạt động xuất
nhập khẩu. Song song với việc tiếp cận ngày càng tăng các dịch vụ công
trực tuyến như hải quan điện tử, chứng nhận xuất xứ điện tử và nhiều
dịch vụ công liên quan tới xuất nhập khẩu khác, các doanh nghiệp đã tích
cực sử dụng mạng Internet để trao đổi thông tin kinh doanh với các đối
tác nước ngoài, tìm kiếm bạn hàng, giao kết và triển khai hợp đồng.
Có mặt tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội VECOM
nhận định: “Thói quen và nhu cầu mua sắm mới đang tạo nên những xu hướng
mới và nhu cầu cần có những công nghệ và công cụ mới để tương thích
cũng được hình thành theo đó. Vì vậy, những doanh nghiệp nào biết đón
đầu xu hướng và có những bước đi phù hợp để tạo sự khác biệt sẽ nắm bắt
được những cơ hội mới.”
“Thương mại điện tử là kênh xuất khẩu trực tuyến đem đến cơ hội thành
công cao vì đây là kênh bán hàng không có giới hạn về địa lý với lượng
khách hàng khổng lồ và mức chi phí thấp. Cách hiệu quả nhất để thành
công trong thương mại điện tử là doanh nghiệp cần sở hữu một website để
lan tỏa các thông điệp của mình và tăng cường mối quan hệ với lượng lớn
khách hàng. Qua đó, doanh nghiệp có thể mở rộng việc kinh doanh ra thế
giới. Và bước đầu tiên để xây dựng hiện diện trực tuyến đáng tin cậy và
thành công là chọn đúng tên miền”, ông Hưng cho biết thêm.
Thế Hưng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét