Việc bắt chước, nhái theo những thương hiệu nổi tiếng, nhất là những thương hiệu có độ “phủ sóng” mạnh từ cộng đồng mạng như Apple, Nokia, Starabucks… vốn đã là “chuyện thường ngày ở huyện”. Chẳng thế mà cư dân mạng đồn đãi Apple từng phải bỏ 4,5 triệu USD cho công ty Xcerion của Thụy Điển chỉ để sở hữu một tên miền tưởng như không liên quan gì đến… quả táo, là icloud, để dùng cho dịch vụ đám mây của mình. Và cũng vì thế mà đã sinh ra cả một “trường phái” những nhà kinh doanh tên miền theo xu hướng dự đoán đâu sẽ là các tên có khả năng dính tới những thương hiệu nổi tiếng trong tương lai, chẳng hạn tiếp theo quả táo, biết đâu những tên miền có nghĩa là quả bưởi, quả ớt, quả lê… đều sẽ có giá hàng triệu đô nếu bạn biết “nẫng tay trên” từ trước. Dĩ nhiên, cũng không loại trừ có một số trường hợp ở Việt Nam có doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tên A, thì ở bất kỳ một thị trường quốc tế nào như Mỹ, Úc, Anh, Trung Quốc, Hàn…, cũng có thể có doanh nghiệp đã, đang hoặc sẽ đăng ký một cái tên A giống hệt. Do đó mới có chuyện chung tên miền, khác “đuôi” và có chuyện đặt ngược vấn đề là ngay chính các doanh nghiệp bị trùng thương hiệu cũng không hề biết trên đời có một thương hiệu tương tự.
Nhưng dù thế nào thì việc nhái tên miền có chủ đích cũng là một trong những cách thức kiếm tiền hoặc PR rất nhanh của doanh nghiệp trong thời buổi cạnh tranh khốc liệt ngày nay. Ở Việt Nam, không nói đến những thương hiệu lớn như Mobi, Hoàng Anh Gia Lai hay VinCom (ngay Vincom cũng đã từng phải tốn phí Luật sư cho một thương vụ nhái tên)…, thì những thương hiệu lâu năm, hoặc đầu đàn trong một số lĩnh vực, ngành nghề, cũng bị “thương hiệu tặc” cố ý dẫm chân. Nếu tìm website của CTCP Cơ điện lạnh (REE) một doanh nghiệp niêm yết kỳ cựu trên thị trường chứng khoán Việt Nam, người đọc sẽ bị dẫn tới website rao vặt nhà đất có cùng tên tắt là ree. Hay muốn tìm hiểu các phong cách thời trang, cập nhật các xu hướng mới nhất về thời trang tóc, sản phẩm dành cho tóc, dân văn phòng, công sở, các ngôi sao, người mẫu và các nhà tạo mẫu tóc thường vào website tocdep.vn, một địa chỉ hàng đầu về tóc đầu tiên ở Việt Nam, thì nay họ lại khá lúng túng khi xuất hiện thêm một tên miền y hệt, chỉ khác nhau có một dấu gạch ngang, mặc dù tocdep.vn vốn dĩ là một thương hiệu có đăng ký bảo hộ bản quyền hẳn hoi!
Hẳn không phải ngẫu nhiên khi hàng loạt tên miền như Trung Nguyên, Bảo Việt, Agribank, Ree, Tóc Đẹp, Việt Tiến, SJC… đều bị nhái. Theo thói quen của công chúng với một thương hiệu đã dày công xây dựng, khi có một tên miền tương tự, đôi khi khác đuôi, khác dấu, khác một chữ…, chỉ cần mỗi người tiêu dùng click chuột nhầm một lần, là thông tin của thương hiệu nhái đã chuyển tải đến hàng trăm, thậm chí hàng triệu người tiêu dùng đang sử dụng công nghệ thông tin. Thị trường video trực tuyến khi sốt YouTube đã chứng kiến hàng loạt website tương tự được tung ra. Một website cung cấp thông tin của người chủ sở hữu tên miền tại Mỹ đã thống kê lượng khách truy cập vào website nhái lên tới hàng nghìn mỗi tháng. Và cũng “nhờ” sự nhầm lẫn này mà một hiện tượng khiếu nại ngược hy hữu từ website utube.com về việc bị hàng triệu khách hàng của youtube truy cập nhầm vào năm 2006 đã cho thấy sức hấp dẫn và khả năng tăng lượt truy cập từ các thương hiệu mạnh là rất lớn.
Đáng tiếc là ở Việt Nam, dù chăm chỉ làm ăn và cần cù xây dựng thương hiệu, nhưng hiện tại nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đặt hết tâm trí vào chuyện cạnh tranh bằng thương hiệu trong không gian ảo, nơi những công cụ trực tuyến có sức mạnh khôn lường. Năm 2011, Việt Nam chỉ có một vài vụ kiện đình đám về việc mất thương hiệu trong không gian ảo, như vụ café Buôn Mê Thuột mất về tay doanh nghiệp Trung Quốc. Nhiều người tiêu dùng Việt Nam lấy làm tiếc cho những thương hiệu đã mất. Và họ nóng lòng thay cho doanh nghiệp, mong mỏi một sự quan tâm hơn nữa của các doanh nghiệp đối với chính thương hiệu của doanh nghiệp trong năm 2012, để trả các tên tuổi về đúng vị trí của nó, cũng là trả cho người tiêu dùng quyền được sử dụng những domain “chính hãng”, không còn bị spam thương hiệu. Nhưng trước khi doanh nghiệp ráo riết tự bảo vệ mình cũng như quyền lợi cho các “thượng đế”, có lẽ, đã đến lúc cơ quan quản lý cần quan tâm xây dựng những chế tài cụ thể cho các hoạt động giao dịch mua bán, đàm phán lấy lại tên miền, thương hiệu – những dịch vụ “phái sinh” đang nảy nở trong chính không gian ảo và đang làm lợi cho không ít “sàn giao dịch” trung gian.
(Bài: Lục Lê – theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét