Theo số liệu thống kê của Bộ công Thương, với 65% người tiêu dùng có tìm hiểu thông tin về sản phẩm trước khi mua trên Internet, 27% các hoạt động mua sắm trực tuyến, cộng thêm số người sử dụng Internet lên tới 20 triệu người (chiếm 25% dân số), Việt Nam đang là một thị trường đầy hấp dẫn cho việc triển khai các công cụ thanh toán trực tuyến.
Cửa đã mở
Thống kê của Bộ Công Thương cũng cho thấy, năm 2008 có tới 88% doanh nghiệp VN cho phép nhận đơn hàng bằng các phương tiện điện tử, 45% doanh nghiệp có website và 35% doanh nghiệp có doanh thu trên 15% nhờ thương mại điện tử (TMĐT).
Những con số này cho thấy nhu cầu bức thiết trong lĩnh vực thương mại điện tử của các doanh nghiệp Việt Nam. Đã đến lúc các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên tích hợp chức năng thanh toán điện tử vào website của mình.
Thực tiễn triển khai trên thế giới đã chứng minh tính thuận tiện và hiểu quả của thanh toán bằng thẻ, hay nói một cách khác là thanh toán không dùng tiền mặt. Ở các nước phát triển, rất nhiều năm nay tiền mặt đã được thay thế bằng các loại thẻ thanh toán, tiền điện tử. Ông Lê Huy Tường - Giám đốc Công ty OnePay cho biết thanh toán trực tuyến ở VN mới xuất hiện tại VN từ những năm 2000 song mới mang tính tự phát.
Vài năm trở lại đây, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, viễn thông và Internet, phương thức thanh toán này mới thực sự được nhìn nhận. Ông Tường cho biết, để có thể áp dụng thanh toán trực tuyến, các nhà cung ứng hàng hóa, dịch vụ phải xây dựng website đúng tiêu chuẩn, kết nối với cổng thanh toán để khách hàng có thể thanh toán trực tuyến.
Hiện nay đã có khoảng 100 website kết nối với cổng thanh toán OnePAY, tiêu biểu như hãng hàng không giá rẻ Jetstar, hay Chợ điện tử mới đây hợp tác với Ebay cho ra đời trang web đấu giá lớn nhất Việt Nam.
Ngoài ra, OnePay còn có những đối tác khác như Saigontourist, FPT online, FPT telecom, Nhà sách trí tuệ .v.v. OnePAY cho phép khách hàng thanh toán trực tuyến bằng các loại thẻ thương hiệu quốc tế như Visa, Master, American Express, JCB, Dinner Club.
Từ đầu năm 2009, OnePAY chấp nhận thanh toán đối với thẻ ghi nợ Vietcombank Connect 24, loại thẻ có thị phần lớn nhất trên thị trường thẻ của Việt Nam. Thời gian tới, cổng thanh toán OnePAY sẽ chấp nhận thẻ của các ngân hàng lớn như Đông Á, BIDV, Vietinbank, Agribank.
Nhưng còn vướng
Việc phát triển thanh toán trực tuyến cần thiết là như vậy nhưng dường như thị trường Việt Nam vẫn thờ ơ và chưa khai thác hết được tiềm năng của nó. Lý giải điều này, ông Tưởng cho biết, 75% số người truy cập Intemet chỉ là để xem tin tức, chơi game, chat, email và tra cứu tư liệu, trong khi đó chỉ có khoảng 7% là có biểu hiện mua bán trên mạng.
Các doanh nghiệp chưa có một hệ thống website tích hợp đầy đủ các chức năng của thanh toán trực tuyến, và chưa kết nối chặt chẽ với các cổng thanh toán trực tuyến. Bản thân người tiêu dùng cũng chưa biết nhiều về TMĐT cũng như thanh toán trực tuyến. Do vậy, họ còn có những nghi ngờ, không yên tâm khi giao dịch qua internet, điện thoại hay máy fax,... Họ cũng không biết liệu mình có được bảo vệ quyền lợi hay không.
Ông Tường cho biết: khi dùng hình thức thanh toán bằng các loại thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng mà khách hàng gặp tranh chấp với người bán (không nhận được hàng, nhận được hàng không đúng với thỏa thuận với người bán, hàng lỗi, hỏng, giao dịch không phải do chủ thẻ thực hiện…) thì người mua có quyền khiếu nại với ngân hàng phát hành. Ngân hàng và tổ chức thẻ sẽ bảo vệ quyền lợi cho người mua, nếu khiếu nại là hợp lý thì người mua có thể đòi lại được tiền đã thanh toán.
Ngoài ra một điểm nữa làm hạn chế tác dụng của thanh toán trực tuyến là tỷ lệ tiền mặt trong lưu thông Việt Nam còn cao chiếm 20,35% cuối 2004, 18% cuối năm 2007 và 14% cuối 2008.
Hiện nay, với các cổng thanh toán trực tuyến: Cổng thanh toán Onepay, cổng thanh toán Đông Á, PayNet, VNPay,…cùng sự bắt tay hợp tác của các ngân hàng hàng đầu và các nhà cung ứng hàng hoá, dịch vụ hàng đầu, chắc chắn trong năm 2009 thanh toán trực tuyến sẽ là công cụ thanh toán được ưu tiên hang đầu.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét